Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022
Thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2022 của UBND huyện Krông Pắc về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022. Ngày 18 tháng 4 năm 2022, UBND xã Ea Kênh đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề có liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP); tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về ATTP.
2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ATTP nông lâm thủy sản; kiểm tra, giám sát về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP, củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu.
3. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
II. THỜI GIAN TRIỂN KHAI
- Thời gian: Từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2022.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG
Chủ đề của Tháng hành động năm 2022 là “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.
1. Tổ chức triển khai “Tháng hành động”
- Trạm Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng hành động” năm 2022;
- Tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo các nội dung hướng dẫn.
2. Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm
- Trạm Y Tế phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh xã, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP.
Công chức VHXH xã tích cực truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh xã về chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản tại địa phương...
- Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
2.1. Đối tượng ưu tiên truyền thông
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm;
- Các cơ quan tổ chức đóng trên địa bàn; các ban ngành đoàn thể.
- Người tiêu dùng.
2.2. Nội dung truyền thông
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm theo quy định của pháp luật. Phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
- Đẩy mạnh truyền thông quảng bá các sản phẩm, các địa chỉ sản xuất kinh doanh nông nghiệp chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nông sản thực phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
- Tiếp tục tuyên truyền Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
- Trạm Y tế chủ động viết bài truyền thông cho địa phương dựa trên tài liệu tham khảo đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm (địa chỉ http://vfa.gov.vn).
2.3. Khẩu hiệu đảm bảo ATTP trong “Tháng hành động” năm 2022
(1) Nhiệt liệt hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022.
(2) Sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
(3) Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng.
(4) Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn.
(5) Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh sản xuất an toàn thực phẩm áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
(6) Vì sức khỏe người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
(7) Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn an toàn.
(8) Để đảm bảo an toàn thực phẩm, hãy ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
(9) Quyền cơ bản của con người là được tiếp cận thực phẩm an toàn.
(10) Phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế vì sức khỏe và sự phát triển nông nghiệp bền vững.
(11) Bảo đảm an toàn thực phẩm là xây dựng, củng cố niềm tin, uy tín sản phẩm Việt Nam.
(12) Sản xuất, tiêu dùng nông sản hữu cơ - hướng đi bền vững cho tương lai.
Nội dung cụ thể của Kế hoạch có thể xem tại đây: Kế hoạch triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022
Tin: Ban biên tập