Đảm bảo an toàn, an ninh mạng cấp xã
Trong kỷ nguyên số hiện nay, an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng hay có thể gọi là an toàn, an ninh mạng là mặt không thể tách rời của cuộc sống hiện đại.
Tóm tắt:
* An toàn, an ninh mạng cấp xã gắn liền với mỗi hoạt động của người dân và các công việc của chính quyền cấp xã sở tại.
* Nhân lực phụ trách ATTT cấp xã: thường chỉ có một cán bộ văn hóa thông tin được giao kiêm nhiệm; có thêm tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) có tham gia hỗ trợ. Trong đó hầu như không có cán bộ nào được đào tạo bài bản về an toàn, an ninh mạng.
* Hạ tầng, hệ thống, thiết bị CNTT trên địa bàn: phần lớn là các hệ thống sử dụng đầu cuối, phục vụ hoạt động nghe, nhìn, giao tiếp, truyền tải thông tin thông thường trong dân chúng, chủ yếu là hệ thống thông tin cấp độ 1, 2.
* Nhận thức an toàn thông tin của người dân còn rất hạn chế
* Các biện pháp đảm bảo ATTT cấp xã:
– Nâng cao nhận thức của người dân: Cảnh giác với lừa đảo trên mạng; dùng mật khẩu và xác thực chặt chẽ; thận trọng khi sử dụng các mạng xã hội; …
– Đảm bảo an toàn cho các hạ tầng, thiết bị: Bảo vệ hạ tầng vật lý; Hạ tầng kết nối mạng; Hạ tầng ứng dụng
– An toàn cho các ứng dụng: Công việc này thuộc về các đơn vị cung cấp phần mềm và các cấp quản lý cung cấp phần mềm cho các xã. Đối với người dân, chính quyền và các cơ quan chức năng cần đưa ra các hướng dẫn, khuyến cáo về việc lựa chọn các ứng dụng an toàn để cài đặt và sử dụng.
Câu chuyện của anh Nguyễn Thái Len, sinh năm 1985, cán bộ văn hóa thông tin xã Hòa Liên, (Hòa Vang, Đà Nẵng) đang đảm nhận nhiệm vụ trong Tổ CNSCĐ của xã:
“Các thiết bị điện trong nhà em đã chuyển sang thông minh, sử dụng điện thoại để bật tắt, hoặc điều khiển bằng giọng nói: đèn, quạt, TV, loa đài…
Em đang ngồi học trong lớp chính trị cách xã 2km. Ông trưởng thôn gọi bảo khởi động loa phát thanh để ông nghe thử. Em vẫn ngồi trên lớp, vào điện thoại bật đài cho ổng kiểm tra và rất OK. Nếu không ứng dụng chuyển đổi số (CĐS), ông trưởng thôn phải đợi em học xong về nhà mới xử lý công việc được…
Em được phân công nhiều việc lắm chị. Em phụ trách công nghệ thông tin (CNTT), phát thanh viên đài truyền thanh xã, phụ trách mảng công tác gia đình, quản lý website, sửa máy tính cơ quan, tổ trưởng tổ đoàn kết, tổ trưởng tổ hòa giải….
Em rất bận rộn, nhưng luôn dành thời gian nghiên cứu công nghệ CĐS.”
“Em cài đặt phầm mềm diệt virus có bản quyền, thực hiện ngắt kết nối mạng khi có nghi ngờ mất an toàn, cập nhật bản vá khi có chỉ đạo của cấp trên, gỡ cài đặt các phần mềm có lỗ hổng, sử dụng email của thành phố thay cho gmail, không lưu mật khẩu trên trình duyệt, mật khẩu phải có độ dài quy định, ưu tiên cài đặt hệ điều hành bản quyền, phần mềm bản quyền, số điện thoại lạ thì không nghe…
Còn những người khác rất hạn chế, nhận thức về đảm bảo an toàn thông tin còn thấp, do trình độ CNTT của họ ở mức cơ bản, và chỉ biết làm theo hướng dẫn của phụ trách CNTT hoặc của văn bản cấp trên, một số link lạ họ chưa phân biệt được…”
Và anh Nguyễn Thái Len là trường hợp đặc biệt. Hầu hết, ở cấp xã, trình độ và ý thức về thực hiện chuyển đổi số (CĐS) và đảm bảo ATTT còn rất hạn chế. Câu chuyện thực tế trên có thể coi là một tấm gương điển hình.
Đảm bảo an toàn, anh ninh mạng cấp xã là gì?
Trong kỷ nguyên số hiện nay, ATTT, an ninh mạng hay có thể gọi là an toàn, an ninh mạng là mặt không thể tách rời của cuộc sống hiện đại. Khi mọi hoạt động xã hội đều gắn với CNTT, các kết nối mạng, các thiết bị thông minh thì đảm bảo an toàn, an ninh mạng chính là để bảo vệ tài sản và tính mạng của con người.
Các Chính phủ đồng loạt xây dựng các văn bản luật, các chiến lược, hướng dẫn để điều hành quốc gia từ cấp trung ương đến địa phương trên môi trường mạng. Tại Việt Nam, trong suốt hơn 20 năm qua, các tổ chức, đơn vị mới đã được xây dựng, các văn bản mới được ban hành nhằm đáp ứng được yêu cầu đặt ra của sự phát triển. CĐS là chủ trương và định hướng mới nhất, là mục tiêu thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Và đảm bảo an toàn, an ninh mạng chính là một phần quan trọng trong đó: “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để CĐS thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của CĐS” (Quyết định số 749/ QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”)
“ATTT mạng là trụ cột quan trọng, xuyên suốt để tạo lập niềm tin số và bảo vệ sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên số nhằm thực hiện thành công CĐS quốc gia…” (Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố ATTT mạng Việt Nam)
Điều đó có nghĩa, hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh mạng hiện nay được triển khai gắn liền với các hoạt động CĐS ở tất cả các cấp, từ trung ương tới các xã, phường, thị trấn và người dân.
Hoạt động CĐS càng làm tốt, việc bảo đảm an toàn cho các hệ thống, ứng dụng, các dữ liệu liên quan càng cần được nâng cao. Trong quản lý nhà nước, ở cấp Chính phủ có 3 Bộ chuyên trách về vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Tại các tỉnh, thành phố có các Sở Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm vai trò này. Còn tại các xã, phường, thị trấn, hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được triển khai sẽ gắn liền với hoạt động của chính quyền cấp xã, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn và đến từng người dân ở đó.
An toàn, an ninh mạng cấp xã là an toàn, an ninh mạng trong CĐS tại các địa phương, gắn liền với mỗi hoạt động của người dân và các công việc của chính quyền cấp xã sở tại. An toàn, an ninh mạng cấp xã đang được triển khai theo mô hình “từ trên xuống’, tức là thực hiện theo định hướng, chỉ đạo của cấp huyện, cấp tỉnh; và cũng có nơi làm theo mô hình “từ dưới lên” là cách làm chủ động đề xuất, chủ động triển khai dựa theo các quy định và chủ trương đã có của các cấp lãnh đạo cao hơn.
Đảm bảo an toàn, an ninh mạng cấp xã trong bài viết này là nội dung khái quát về thực tế tình hình đang diễn ra tại các đơn vị hành chính nhỏ nhất là các xã, phường, thôn, bản tại Việt Nam, trong thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình trên không gian mạng của người dân và chính quyền sở tại. Bài viết cũng đưa ra một số nội dung vắn tắt về một số cách làm thiết thực, để giúp nâng cao nhận thức trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng của mỗi cá nhân và tổ chức khi tham gia các hoạt động trực tuyến.
Nhân lực phụ trách ATTT cấp xã
Tại thời điểm năm 2022, trên cả nước có tổng số hơn 10.500 đơn vị hành chính cấp xã, gồm hơn 8.200 xã, hơn 1.700 phường, còn lại là thị trấn. Hầu hết các đơn vị này đều đã được phổ biến và bước đầu thực hiện các kế hoạch về CĐS. Cụ thể, các địa phương căn cứ vào các kế hoạch của UBND các cấp để ban hành các kế hoạch CĐS của địa phương, có phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, tại các xã, thường không có cán bộ chuyên trách CNTT hay CĐS mà chỉ có một cán bộ văn hóa thông tin được giao kiêm nhiệm.
Khắc phục tình trạng trên, các tổ CNSCĐ thôn, bản được thành lập. Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng đã được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến CĐS; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số. Họ là những người trực tiếp triển khai, hướng dẫn người dân tiếp cận CĐS, cài đặt và triển khai ứng dụng CNTT, phục vụ CĐS.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tính đến ngày 31/8/2022, cả nước đã thành lập được 45.895 tổ CNSCĐ tại 51/63 tỉnh, thành phố với 211.737 thành viên.
Tuy nhiên, phần lớn thành viên của tổ này đều kiêm nhiệm rất nhiều công việc, có thể họ là những cán bộ văn hóa thông tin xã, là chính các phó chủ tịch xã và thành viên từ các phòng ban của UBND cấp xã. Rất ít trong số đó có bằng đại học về CNTT, cũng như có chuyên môn về CNTT. Do đó, với nghiệp vụ về an toàn, an ninh mạng, hầu như không có cán bộ nào tại các chính quyền cấp xã được đào tạo bài bản và có bằng cấp chính quy. Việt Nam hiện nay thiếu khoảng 700.000 nhân lực về an toàn, an ninh mạng. Lực lượng hiện có khoảng 50.000 người thì làm việc tại các thành phố lớn, các cơ quan cấp tỉnh trở lên, hoặc các DN.
Các tổ CNSCĐ được giao phụ trách các hoạt động CĐS (trong đó có đảm bảo an toàn, an ninh mạng). Nhưng đồng thời, họ còn phụ trách rất nhiều những việc xã hội khác liên quan người dân. Đó có thể là: sửa chữa các loại máy móc thiết bị, tham gia các tổ hòa giải thôn xóm, tham gia tổ bảo vệ, an ninh thôn xóm, tham gia mọi phong trào của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… tại địa phương.
Hạ tầng, hệ thống, thiết bị CNTT trên địa bàn
Hạ tầng quan trọng đầu tiên để triển khai CĐS là hạ tầng viễn thông và CNTT, hạ tầng Internet. Các hạ tầng này hiện do các doanh nghiệp xây dựng và cung cấp cho người dân, như VNPT, Viettel, FPT…. Thực tế, nhiều nơi, sóng viễn thông chưa đảm bảo, các kết nối đường truyền Internet còn chậm. Các máy móc, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ thực hiện CĐS tại các địa phương chưa đồng bộ.
Theo danh mục 8 hạ tầng số cấp xã do Bộ TT&TT đưa ra: mạng máy tính, mạng truyền số liệu chuyên dung, hệ thống wifi công cộng, hệ thống Internet vạn vật, hệ thống bảng điện tử công cộng, hệ thống camera an ninh, hệ thống truyền thanh thông minh và hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thì các đơn vị cấp xã hầu như chưa có đủ. Các đơn vị phường, thị trấn tại các thành phố lớn thuận lợi hơn khi có kinh phí và nhân lực để thực hiện trang bị và sử dụng các hệ thống này. Tuy nhiên, tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, máy móc thiết bị còn thiếu, nhân lực triển khai không có, dẫn đến việc chưa thể có đồng bộ các hạ tầng số này.